Thứ Sáu, 15 tháng 5, 2020

Khoai chà - một góc hồn quê

Khi cái nắng rát đổ xuống từng con đường quê giữa trưa, trên những cánh đồng khô khốc trơ gốc rạ, bỗng miên man nhớ ký ức phơi khoai chà cùng ba mẹ.

Khoai chà - một góc hồn quê
Khi cái nắng rát đổ xuống từng con đường quê giữa trưa, trên những cánh đồng khô khốc trơ gốc rạ, bỗng miên man nhớ ký ức phơi khoai chà cùng ba mẹ. Nỗi nhớ ấy mãnh liệt hơn khi trên đường trưa bất chợt thấy những nong khoai chà phơi dưới nắng. Có khi từ "khoai chà” đã trở nên rất lạ lẫm với trẻ em thành thị.  
Tôi nhớ cảnh thèm thuồng từng củ khoai lang chín được bỏ vào rổ, chà nát thành những hạt lớn như hạt đậu phộng. Khoai chà xong, được bỏ ra nong phơi ở chỗ nào nắng nhất trong sân, trong vườn nhà và phơi được lâu nhất trong ngày. Nếu trời nắng tốt, một nong khoai chà phơi trong 3 ngày là đạt tiêu chuẩn.
Sau đó, khoai được trút vào chum, vào thùng phuy. Khoai chà thành phẩm trộn thêm ít đường bát đen ăn cũng đủ ngon rồi. Người thích ăn mềm thì cho thêm ít nước vào, ngâm khoảng vài phút, sau đó chắt nước đi, bỏ đường vào. Với người lớn, đó là bữa ăn xế đậm chất quê, khi cái mệt đã len vào từng giọt mồ hôi. Còn với lũ con nít, trong những ngày Hè, mỗi khi được ba mẹ cho một chén khoai chà thì mừng rơn, quý như bắt được vàng.
Tôi nhớ mãi những ngày cảnh nhà còn cơ cực, cả gia đình xúm xít làm khoai chà thật vui và hạnh phúc. Chị em tôi còn nhỏ, tay yếu nhưng rất thích chà khoai, xong ba mẹ toàn phải chà lại.
Khoai làm xong, đến bữa ăn, ba mẹ lại ngâm nước cẩn thận, rồi cho mỗi đứa một bát lưng lưng thưởng thức đầu tiên. Cảm giác hưng phấn ấy cứ theo tôi mãi đến tận bây giờ. Ngẫm lại, hạnh phúc đơn sơ nhưng cảm nhận được trọn vẹn và lưu giữ được lâu trong ký ức mới đáng quý làm sao!
Người dân Quảng Nam quê tôi cũng như bao vùng quê khác, vì mưu sinh hoặc nhiều lý do, tha phương khắp nơi. Nhưng khoai chà và những món ăn quê mùa khác vẫn là hành trang mẹ già bỏ vào ba lô cho mang theo, vì đó là kỷ niệm của một thời gian lao của họ cũng như bao thế hệ cha ông trụ bám với cái nghèo, cái đói trên vùng đất này.
Tôi từng thấy một bác hàng xóm về thăm quê, trước khi lên đường trở lại thành phố tiếp tục kiếp sống tha phương cầu thực đã để túi khoai chà lên bàn thờ tổ tiên, khấn nguyện hồi lâu rồi mới bỏ vào ba lô. Có lẽ không chỉ với bác ấy, hình ảnh khoai chà từ lâu đã in đậm trong tâm trí nhiều người dân quê tôi, là một góc quê bình dị nhưng vô cùng quý giá.
Bạn bè tôi từ lúc xa quê đi học đại học cho đến lúc ra trường, đi làm ở những nơi xa vẫn nhờ vả lẫn nhau mang từ quê lên phố mấy lon khoai chà. Rồi biết bao người Quảng ở nước ngoài vẫn đau đáu trông chờ và rất đỗi vui mừng khi bà con trong nước gửi cho một ít khoai chà. Khoai chà giờ làm trắng, sạch, đóng bao bì cẩn thận, nên việc chuyển ra nước ngoài qua đường hàng không cũng không còn khó khăn như trước.
Trưa Hè vẫn nắng, nhưng lòng tôi lại dịu mát khi mắt chạm vào những nong khoai chà phơi ven sân những căn nhà bên đường thôn xóm tôi qua. Những yêu thương dành cho món quê, cảnh quê, người quê rồi sẽ gom lại thành một tình yêu đậm đà với mảnh đất nơi tôi chôn nhau cắt rốn.

Rưng rưng nhớ khoai chà

Quê tôi đất đai khô cằn, việc trồng trọt phải dựa vào nước trời. Sau Tết, trời miền Trung bắt đầu nắng nóng, không thể trồng lúa được nên quay sang trồng khoai.

Củ khoai quê tôi như hấp thụ được tinh túy của đất trời nên ngọt, ngon, bùi, bở hơn hẳn khoai lang của các huyện lân cận trong vùng.

Khoai thu hoạch về, nhà nào ít thì đủ ăn, nhà nào nhiều thì mang ra chợ bán. Bán không hết thì làm khoai chà, trữ ăn dần quanh năm. Nhà tôi ngày ấy cũng làm khoai chà. Từ tối hôm trước, mẹ tôi đã lựa những củ khoai không trầy xước, không sâu, vỏ ngoài bóng láng, để sẵn. Hôm sau cả nhà dậy thật sớm, mỗi người giúp mẹ một tay. Khoai được cạo bỏ lớp vỏ bên ngoài, rửa sạch, cho vào nồi luộc chín. Riêng khâu luộc khoai nhất định phải do mẹ nấu. Mẹ canh nước và lửa thật khéo, sao cho nước trong nồi cạn hết là khoai cũng vừa chín mà không bị cháy. Khoai được giã nhỏ, dùng rổ thưa chà cho bột khoai rơi xuống cái nia bên dưới. Khi trời sáng, những nong, nia khoai chà được mang phơi nơi cao ráo, sạch sẽ, tránh bụi bẩn, đất cát.



Mỗi lần làm khoai chà như thế, mẹ lại đi ra, đi vào, nhìn trời đầy lo lắng. Mẹ mong hôm ấy trời nắng giòn, buổi chiều không có mưa giông để khoai khô đều, dậy hương, nồng đượm. Khoai chà khô mang ra sàng lại để tách làm hai loại: khoai chà lớn hạt nằm trên sàng, khoai chà nhỏ hạt rơi xuống bên dưới. Mẹ lại cẩn thận cho từng loại vào những thùng nhỏ, đậy kín, để dành ăn quanh năm.

Những năm tháng khó khăn, khoai chà là món điểm tâm thường xuyên của người quê tôi. Ngày nay, khoai chà trở thành món ngon thơm thảo, lúc nào cũng sẵn có trong nhà. Ăn khoai chà cũng có nhiều cách. Người thích vị ngọt dịu dàng vốn có của khoai, cứ để vậy mà nhâm nhi. Người khác thì thêm đường, đậu phộng vào chén khoai, trộn đều, dùng lá mít xúc những hạt khoai cho vào miệng, cảm nhận hương vị hỗn hợp của khoai, đường, đậu phộng... Tất cả lan trên đầu lưỡi, thắm đượm tình quê.

Một mùa khoai chà nữa lại về, nơi phương xa chợt thấy lòng rưng rưng nhớ dáng mẹ gầy gầy ngồi canh lửa nấu khoai, nhớ những hạt khoai chà thoảng hương dần khô dưới nắng...
Theo phunuonline

Khoai lang hầm

Khoai lang hầm
Đó là thứ món ăn dân dã, rất phổ biến vào thời bao cấp làm no lòng, nuôi lớn nhiều thế hệ, trong đó có cả tôi, thế hệ 7X đời giữa. Thời đó, nhớ mỗi lần về quê nội, nội làm món này ra đãi thường xuyên đến mức chị em tôi nhìn thấy là ngán ngay, hỏi vặn: “Hổng còn món nào khác hả nội?”. Nội cười hiền hậu: “Có chớ. Bây ngán khoai lang hầm thì ăn khoai lang chà nghen”.
 
Khoai lang hầm hay khoai lang chà cũng đều là từ khoai lang cả. Khác chăng, khoai lang hầm xắt lát mỏng phơi khô, còn khoai lang chà luộc lên chà cho tơi nhỏ ra rồi mới mang phơi. Khoai lang khô rửa sạch hầm với nước cho chín rồi mới cho đường đen hay đường hẩm hầm tiếp, rồi sau đó dằm nhỏ ra.
Lại kể chuyện ngày xưa, quà quê của nội gửi vào thường là khoai lang khô. Tối tối, bà ngoại tôi vẫn hầm trên bếp mùn cưa, hoặc vần ra bếp gần đó, để sáng sớm mai có thứ lót dạ. Bởi ngoại là dân “không chuyên” nên món khoai hầm không được mềm, ngon như ở ngoài quán, nhứt là chẳng có dừa nạo rắc lên nên đã ít nhiều giảm bớt độ ngon. Thời đó, người ta làm bán món này khá nhiều, gói trong lá chuối sạch. Là món ăn sáng hoặc buổi xế, là món thèm thuồng của tụi học sinh sau mỗi giờ tan học bụng đã đói mềm.
Giờ thì khoai lang hầm gói trong bao nylon nên người mua cứ cảm giác thiêu thiếu, nhơ nhớ cái hương vị mà lá chuối mang lại. Ở Quy Nhơn, tôi để ý chỉ còn có vài người bán món này vào buổi xế (ở gần ngã ba Nguyễn Công Trứ - Trần Quang Diệu) hay buổi tối (gần ngã ba Nguyễn Tất Thành - Trần Thị Kỷ). Thi thoảng, tôi ghé đến chiếc xe đẩy trên đường Nguyễn Tất Thành gần góc cua Trần Thị Kỷ mua dăm mười ngàn khoai hầm. Chị chủ quán trạc tuổi tôi bảo, chị làm nghề này hơn 15 năm rồi. Món khoai của chị làm khô ráo, không nhão, lại có vị gừng đặc trưng khó quên. Đặc biệt, chị khá hào phóng thêm dừa nạo chứ không quá “tiết kiệm” như hàng khác nên khách rất ưng bụng. Vị bùi, ngọt của khoai quyện với vị beo béo thơm thơm mùi dừa, mới ngửi là đã thấy thèm rồi.
Mấy hổm rày trời hay đổ cơn mưa tối, món khoai hầm của chị lại khá đắt hàng. Trời như thế này mà có món khoai nóng hẩm hẩm ăn là hết sẩy. Đêm trước, tôi mang bì khoai về đưa cho mẹ, mẹ nếm thử rồi tấm tắc: “Ngon đấy con ạ. Mẹ thích nhất cái vị gừng. Mấy năm nay mới ăn được bữa khoai hầm ngon đến vậy”.
Người ăn bây giờ không cốt lấy no, mà lấy vị là chính, đổi món lạ miệng. Món ăn dân dã, truyền thống cũng như bao nét văn hóa dân gian khác, qua bao biến cố, thăng trầm không thể mất đi được, vẫn là thứ không thể biến mất hoàn toàn trong cuộc sống dẫu hiện đại cách mấy.
NGUYỄN NAM

Khoai chà xứ Quảng

 Nếu ai đã từng một lần đến Quảng Nam và được thưởng thức món khoai chà dân dã có một không hai nơi mảnh đất đầy nắng và gió này thì khi xa rồi sẽ nhớ mãi không thôi.

Khách phương xa đến Quảng Nam giữa tiết trời tháng sáu oi ả với gió nam hây hây thổi và không khí khô khốc, khắc nghỉệt, thật không dễ gì thích nghi ngay được. Nhưng với nông dân tại một số vùng trung du như Quế Sơn, Duy Xuyên, Thăng Bình… thì đây chính là thời điểm thích hợp nhất để thu hoạch khoai lang và làm khoai chà.

Làm khoai chà mà trời không nắng giòn thì món khoai ấy sẽ không thể thơm ngon được.
Khoai lang là một trong những cây lương thực chính tại Quảng Nam. Khoai được chế biến thành những loại lương thực khô như xắt lát phơi khô, khoai ngào đường, bánh khoai nướng… và không thể thiếu món khoai chà quen thuộc.
Chọn những củ khoai không bị hư, cạo bỏ lớp vỏ lụa bên ngoài, rửa sạch rồi luộc chín. Khi luộc phải kê dưới đáy nồi vài thanh tre mỏng để khoai không bị cháy sém. Lượng nước phải vừa đủ sao cho khi khoai chín cũng là lúc nước trong nồi cạn hết. Như vậy khoai sẽ khô ráo, không bị nhão, sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của món khoai chà về sau.
Khoai lang sau khi luộc chín được để nguội rồi cho vào cối giã nhỏ. Tiếp theo, dùng rổ thưa chà cho bột khoai rơi xuống chiếc nong bên dưới. Có lẽ chính động tác chà này tạo nên tên gọi khoai chà cho món ăn. Bột khoai được phơi nơi cao ráo, thoáng gió nhằm tránh bụi bẩn và giúp khoai mau khô. Nắng phải tốt thì khoai mới khô đều, dậy mùi và không bị ẩm mốc.
Khoai chà còn là món quà quê không thể thiếu trong hành lý của bao thế hệ sinh viên Quảng Nam những ngày đi học xa nhà. Tuy mộc mạc và dân dã vậy nhưng lại được nhiều bạn bè khắp các miền đất nước yêu thích và luôn dặn dò mỗi khi có bạn xứ Quảng về thăm quê: “Bồ nhớ mang vài ký khoai chà làm quà cho tụi mình nhé”.
Sàng bột khoai khô để phân chia thành hai loại khoai chà. Loại bột trên sàng là khoai chà hạt lớn. Loại bột mịn rơi xuống nia là khoai chà hạt nhỏ. Mỗi loại được để riêng vào hũ sành, bảo quản ăn dần quanh năm. Khoai chà có vị ngọt dịu, thơm của khoai, nồng nàn hương nắng gió miền Trung.
Khoai chà lớn khi ăn phải sú nước. Thêm một lượng nước ấm vừa đủ, chờ vài phút cho khoai nở rồi mới ăn. Khoai chà nhỏ thì không cần thêm nước. Người Quảng thường thêm đường vào khoai chà nhỏ và đậu phộng rang giã nhỏ vào khoai chà lớn (sau khi sú nước) để món ăn thêm thơm ngon và nhiều hương vị.
Ngoài ra, mọi người thường hái vài chiếc lá mít trong vườn nhà thay thìa xúc khi ăn. Khoai chà đã lạ mà cách ăn khoai chà bằng lá mít lại càng lạ hơn. Bẻ cong lá mít, xúc một miếng khoai chà rồi từ từ cảm nhận hương thơm của lá mít, sau đó nhai thật nhỏ từng hạt khoai, những hạt tinh bột vỡ ra, đọng lại trên lưỡi.
Người ăn sẽ dễ dàng cảm nhận được những hương vị ngọt ngào của khoai, nồng nàn của nắng gió quyện lẫn vào nhau, vừa dân dã, thanh tao lại thật gần gũi với thiên nhiên.
Người Quảng ăn khoai chà mọi lúc mọi nơi: ăn điểm tâm, ăn nửa buổi, ăn chiều, ăn khuya hay mang ra mời bạn như một món quà quê dân dã khi bạn đến thăm nhà. Khoai chà còn được các bác nông dân mang ra đồng hay lên nương rẫy ăn vào giờ nghỉ ngơi giữa buổi làm… vừa ngon, rẻ, lại no bụng.
KIM LOAN

Thứ Tư, 25 tháng 11, 2015

Khoai lang chà

 Ngày đó, gia đình tôi làm nông, quanh năm hết trồng lúa, đến trồng khoai, trỉa đỗ. Tuổi thơ tôi đong đầy kỷ niệm của những ngày theo cha má ra đồng nhổ mạ, gặt lúa, cày khoai… Ngày thu hoạch, khoai lang được gánh về chất đống ở góc nhà. Tối đến, tranh thủ học bài xong, tôi phụ má ngồi lựa khoai bên ánh đèn dầu leo lét. Những củ khoai lớn, đẹp được để dành làm khoai trụng. Những củ khoai nhỏ xắt lát phơi khô dùng để độn cơm (ngày ấy, chén cơm nào cũng lổn ngổn khoai, sắn…). Một phần khoai còn lại để làm khoai chà.
Khoai lang chà 
Làm khoai chà phải rửa khoai thật sạch từ đêm trước. Sáng sớm cho khoai vào một cái nồi to luộc chín. Ngày ấy, nhà nào chà khoai cũng thường nổi lửa trước sân. Mỗi sáng đi học, chúng tôi men theo con đường làng rợp bóng tre, bóng duối, bốn bề xanh rì ruộng lúa, gò mì, mùi khoai lang nấu ngan ngát suốt đường đến trường...
Làm khoai chà khá đơn giản. Khoai lang nấu chín được cho vào cối quết nhuyễn rồi đổ ra chiếc rổ trẹt (rổ sảo) bằng tre có lỗ nhỏ, một tay giữ chặt vành rổ, tay kia xòe ra chà xát mạnh xuống mặt rổ theo vòng tròn. Bột khoai se lại rơi xuống chiếc thúng được hứng sẵn bên dưới. Khoai chà xong trải đều trên những chiếc nong, chiếc nia phơi nắng cho thật khô, thật giòn. Người quê tôi thường cất khoai chà vào trong bao hay trong chiếc khạp nhỏ để dành dùng dần. Mỗi sáng, nếu ngán cơm nguội có thể đổi món bằng chén khoai chà ngâm nước nóng cho mềm, “sang” hơn thì cho thêm tí đường đen đóng cục, thế là chặt bụng đi học, đi làm. Những lúc đói bụng, tôi thường vào buồng vốc một nắm khoai chà ăn đỡ, uống thêm vài ngụm nước, thế là qua cơn đói. Món khoai chà trộn đường, dừa khô giã nhuyễn cũng thường thấy trong bữa ăn “nửa buổi” (giải lao giữa giờ làm đồng) của người nông dân. Ngồi bệt trên bờ ruộng, dùng chiếc “muỗng” bằng lá mít múc những ngụm khoai chà giòn rụm, thơm thơm; vị ngọt và béo của khoai chà làm ấm bụng người dân lam lũ. Quanh thố khoai chà thơm phức, những câu chuyện cày cấy, nắng mưa… cứ tiếp nối rôm rả, làm dịu đi cái nắng chói chang, oi bức của ngày mùa.
Xa quê đã gần 30 năm, giờ tôi đã là dân Thành phố “chính hiệu”, nhưng hình ảnh quê hương thân thương với những món ăn dân dã, đặc trưng vẫn in đậm trong tôi. Đời sống người dân quê tôi sau này đã có nhiều thay đổi. Món khoai chà vì thế cũng không còn nữa...